Thế giới biết đến RoboCup (Robot Soccer World Cup) từ năm 1997 tại Nhật. Đây là Giải bóng đá robot toàn thế giới. Đến năm 2008, Cúp bóng đá Robot này đã được tổ chức hàng nằm và thu hút hàng chục nước trên thế giới tham gia. Tháng 6/2013, RoboCup diễn ra tại Hà Lan thu hút hơn 2.500 sinh viên đến từ 40 nước trên thế giới tham gia.
Đến nay, RoboCup không còn dừng lại ở giải đấu bóng đá, mà đã có RoboCup Home (Robot giúp việc nhà), RoboCup-Rescue (Robot giải cứu). Nếu như các RoboCup này dành cho đối tượng “có điều kiện hơn” về mặt kinh tế cũng như năng lực công nghệ thì RoboCupJunior (tập trung vào rô bốt đá bóng, nhảy và giải cứu) là chương trình dành cho đối tượng học sinh THPT trở xuống và thu hút hàng chục nước tham gia mỗi năm.
Chung quy lại thì các cuộc thi này đều nhằm thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao, là cơ hội tranh tài và phô diễn công nghệ cao dành cho các trường đại học, viện nghiên cứu và giới công nghiệp.
Vì mục tiêu này mà nhiều trường đại học trên thế giới, như ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore,… đều thường xuyên tổ chức các kỳ RoboCup, hơn nữa là RoboCup Open.
Tại Việt Nam, ngoài Robocon và một số cuộc thi cấp trường như “Vua tốc độ” dành cho xe ô tôt điều khiển từ xa (2012), Robocar (2008) - dành cho xe tự hành đa năng (ĐH Bách khoa Hà Nội),….. được xem là vừa tầm với sinh viên được tổ chức ra nhằm khuyến khích, phát huy năng lực sáng tạo, áp dụng bài học lý thuyết vào thực tiễn của sinh. Tuy nhiên, cũng ngoài Robocon ra, hiện nay các cuộc thi này có vẻ như chưa được khởi động lại sau lần thi đầu tiên.
|
|
|
Niềm vui của các bạn sinh viên sau khi kết thúc PDU RoboCup 2013 tại Khoa Điện - Cơ điện tử Trường ĐH Phương Đông |
PDU RoboCup, niềm hào hứng của sinh viên ĐH Phương Đông
Cũng là RoboCup nhưng không phải là cuộc thi dành cho rô bốt đá bóng, cũng không có quy mô lớn và không được nhiều người biết đến nhưng PDU RoboCup được tổ chức 3 lần liên tiếp tại Khoa Điện - Cơ điện tử Trường ĐH Phương Đông đã trở thành niềm tự hào và sự hào hứng cho sinh viên trong khoa.
Mục đích của cuộc thi này theo Ths. Hà Thanh Sơn, phụ trách CLB Rô bốt, giảng viên Khoa Điện - Cơ điện tử cho biết là nhằm cổ vũ phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia làm sản phẩm thật của sinh viên. Chính vì thế yêu cầu kỹ thuật của cuộc thi không quá khó, những sinh viên năm nhất, sinh viên thường ngày chỉ học hành trên lớp ít tham gia làm sản phẩm, qua sân chơi này vẫn có thể tham gia được. Ths. Hà Thanh Sơn cũng nhấn mạnh: đặc điểm của sinh viên Khoa Điện - Cơ điện tử là làm đồ án rất khó nên đây là dịp tập dượt tốt.
Ngày 23/10 vừa qua, tại cơ sở đào tạo của Khoa Điện - Cơ điện tử Trường ĐH Phương Đông, Cuộc thi PDU RoboCup 2013 (lần thứ 3) với chủ đề “PDU 20 năm một chặng đường” đã được khởi tranh với sự tham gia của 8 đội, trong đó có một đội đến từ Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp.
Yêu cầu kỹ thuật của đề thi năm nay là thiết kế chế tạo rô bốt có khả năng di chuyển trên nhiều địa hình khó khăn và trên đường đi phải gắp được ngọn lửa để về đích, kết thúc chặng đua. Nếu như trong Robocon, rô bốt được chạy trên nền sân rất lý tưởng thì tại PDU RoboCup sân thi là địa hình khó khăn phức tạp. Ths. Hà Thanh Sơn cho biết đây là ý đồ để các bạn thấy sự khó khăn của kỹ thuật.
Một trong những lý do để các bạn sinh viên thấy “ổn” ở cuộc thi này là thời gian tham gia nghiên chế tạo sản phẩm ít hơn nhiều so với Robocon, chỉ mất khoảng một tuần, trong khi Robocon có thể từ 3 tháng liên tục trở lên. Kinh phí tham gia cũng rất ít, không quá một triệu đồng so với ít nhất 20 triệu đồng của Robocon. Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được CLB Rô bốt hỗ trợ khá nhiều về mặt kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử. Trước thi bắt tay vào nghiên cứu chế tạo, các bạn được tập huấn kỹ thuật để có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Thêm một hấp dẫn nữa cho sinh viên tại cuộc thi này là đảm bảo sinh viên dù không chuyên đều có thể tham gia.
Sau cuộc thi đầu tiên vào năm 2011, hai lần thi tiếp theo CLB rô bốt của Khoa Điện - Cơ điện tử Trường Phương Đông đều mời trường bạn tham gia. Năm thì có ít đội tham gia, năm thì có nhiều nhưng đây là dịp để các bạn sinh viên có cùng chuyên ngành học tập có thể giao lưu, học hỏi cọ xát khi giải các bài toán trong thực tế. Đây cũng là nỗ lực của những người đứng ra tổ chức cuộc thi nhằm đem lại phương pháp học tập mới và hiệu quả. Thiết nghĩ sự mở rộng ý nghĩa cái tên RoboCup như của Trường Phương Đông là một cách làm hay và có ý nghĩa cho sinh viên.
Bảo Hà
Số 154 (11/2013)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay