Đánh giá cao phương án thi quốc gia chung của Bộ GD&ĐT, nhưng học
sinh thi khối A, B, C còn băn khoăn về cách thức sử dụng kết quả kỳ thi
này cũng như việc phải đầu tư nhiều môn hơn so với các khối khác.
"Cả lớp em đã ồ lên sung sướng khi Bộ chọn thi 4 môn thay vì 8 hay 11
môn như phương án thứ hai hoặc ba", Nguyễn Quốc Vinh (lớp 12A1, THPT Kim
Liên, Hà Nội) nói. Phương án kỳ thi quốc gia chung của Bộ GD&ĐT đã khiến nhiều học sinh lớp 12 thở phào.
Đỗ Văn Mạnh (lớp 12C1, THPT ATK Tân Trào, Tuyên Quang) cho hay,
"thi như thế sẽ đỡ phải học nhiều môn. Nhưng dân khối A như em giờ phải
đầu tư thời gian học thêm tiếng Anh, Ngữ văn", Mạnh nói.
Cho rằng lựa chọn của Bộ là tối ưu và phù hợp, Bùi Ngọc Ly (lớp
12 Văn, THPT Chu Văn An, Hà Nội) phân tích, thí sinh không còn áp lực
chọn ngành, chọn trường nặng nề và quá khả năng như những năm trước. Thí
sinh biết kết quả kỳ thi quốc gia xong mới nộp hồ sơ tuyển
sinh. Tuy nhiên, Ly băn khoăn cách thức sử dụng kết quả thi chung ở các
trường ĐH lại không hoàn toàn giống nhau, có trường vẫn tuyển sinh theo
phương thức riêng.
"Mong các trường ĐH, CĐ sớm đưa ra cách thức sử dụng kết quả của
kỳ thi chung, để chúng em biết chính xác yêu cầu, từ đó nỗ lực phấn đấu
học tập", nữ sinh lớp 12 nói.
Cấu trúc đề của kỳ thi quốc gia chung sẽ không thay đổi nhiều so
với đề năm 2014, nhưng Ly và Vinh vẫn mong có một cấu trúc chính xác
được công bố từ đầu năm học, tránh tình trạng thí sinh bị sốc do học
lệch, học tràn lan.
|
Phương án môn thi của một kỳ thi quốc gia chung vừa được Bộ Giáo dục công bố khiến học sinh thở phào nhẹ nhõm.
|
Tuy mừng vì chỉ phải thi 4 môn, nhưng Nguyễn Khánh Linh (12D1, THPT Chu Văn An) vẫn
thấy thiệt thòi cho học sinh ban A, B, C vì Văn, Ngoại ngữ là môn bắt
buộc. "Vào cấp 3 chúng em đã học phân ban và chỉ chú trọng những môn thi
ĐH. Giờ điểm của kỳ thi chung sẽ được sử dụng để xét ĐH, CĐ nên nhiều
bạn ngoài học các môn trong ban còn phải căng mình học thêm Văn, Ngoại
ngữ nữa. Kỳ thi quốc gia chung này, nếu áp dụng từ các em lớp 10 năm nay
sẽ hợp lý hơn", Linh nói.
Là hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội, thầy Đào Tuấn Đạt cũng vui mừng
khi nghe quyết định của Bộ. Theo thầy Đạt, phương án thi 4 môn trong đó
những nơi khó khăn, điều kiện học Ngoại ngữ chưa đảm bảo có thể chọn môn
thay thế đã giải tỏa tâm lý lo lắng thậm chí hoang mang cho giáo viên,
học sinh và phụ huynh. "Tổ chức một kỳ thi quốc gia chung với tinh
thần thật nghiêm túc như khẳng định của Bộ GD&ĐT là cơ hội lấy lại
niềm tin về sự trung thực, thứ đang thiếu nhất hiện nay. Xã hội luôn ủng
hộ một kỳ thi công bằng với kết quả chính xác, dù đó là một kết quả
chưa như mong muốn", vị hiệu trưởng nói.
Thầy Đạt cho rằng, có 5 điểm quan trọng mà phương án đưa ra vừa thực
tế, vừa tiến bộ. Đó là để xét tốt nghiệp THPT, học sinh chỉ phải dự thi 4
môn thi tối thiểu, trong đó một môn tự chọn là vừa sức. Bên cạnh đó,
học sinh được chủ động chọn môn thi sở trường để lấy kết quả xét tuyển
vào đại học. Khi các trường đại học chọn theo môn để xét tuyển, thay vì
theo khối thi truyền thống A, B, C, D… cứng nhắc như hiện nay sẽ giúp
trường tuyển được thí sinh có thế mạnh, phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Sự phân hóa và thay đổi theo xu hướng đánh giá năng lực sẽ giảm được
lối học vẹt, học tủ... Kỳ thi với sự chủ trì của các trường đại học tạo
sự yên tâm cho các trường về sự nghiêm túc như kỳ thi 3 chung những năm
vừa qua.
"Theo lộ trình, năm 2017 sẽ có bài thi tích hợp đầu tiên, chúng tôi hy
vọng đó là bài thi tích hợp gồm 3 hợp phần toán, tiếng Việt và đọc hiểu
giống như bài thi SAT 1. Học sinh tốt nghiệp chỉ cần làm bài thi này với
một môn chuyên biệt tự chọn là đủ. Còn bài thi tích hợp các môn khoa
học tự nhiên hoặc tích hợp các môn khoa học xã hội nên để các trường đại
học tự ra đề và quyết định theo nhu cầu của họ. Bộ chỉ nên ra bài thi
tích hợp toán, tiếng Việt, đọc hiểu và các môn thi chuyên biệt", thầy
Đạt góp ý.
Thầy Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) đánh giá phương
án 4 môn thi là tạm ổn. Tuy nhiên, về lâu dài theo thầy, Bộ vẫn nên tổ
chức thi với tất cả các môn có trong chương trình học để tránh tình
trạng học lệch.) cũng đồng tình phương án 4 môn thi trong giai đoạn đầu.
"Những môn: Thể dục, Quốc phòng, Tin học, Công nghệ, Công dân… cho kiểm
tra tại trường theo lịch của bộ, chuyển kết quả điểm vào kỳ thi với hệ
số 1. Các môn còn lại có mặt đầy đủ trong kỳ thi quốc gia với quy định
hệ số 2. Trong đó có nhiều nhất 4 môn tự chọn với quy định hệ số 3 dành
cho những học sinh đăng ký dự tuyển vào CĐ, ĐH. Như vậy về tổ chức thi
lẫn xét tuyển đều rất thuận lợi", thầy Sum phân tích.
Cùng quan điểm với thầy Sum, giáo viên dạy Hóa Bùi Thị Hằng (THPT Tống
Văn Trân, huyện Ý Yên, Nam Định)ủng hộ phương án thi 4 môn mà Bộ
GD&ĐT đã lựa chọn. Theo cô, phương án thi này hợp lý nhất cho năm
thay đổi đầu tiên nhưng về lâu dài, cô Hằng cho rằng, vẫn cần cải tiến.
"Phương án thứ nhất sẽ không làm học sinh bị sốc nhưng tôi vẫn chưa yên
tâm và nghĩ có thể 1-2 năm nữa, sẽ có sự thay đổi tiếp theo trong mô
hình thi cử", cô Hằng tâm sự.
Đánh giá cao quyết định của Bộ Giáo dục, TS Lê Trường Tùng, Hiệu
trưởng ĐH FPT cho rằng cái được lớn nhất của một kỳ thi chung là bỏ được
một kỳ thi quốc gia vào tháng 7. Kỳ thi phổ thông cũng không có khác
biệt lớn, vẫn thi 4 môn. Điều quan trọng nhất là các trường đại học được
tự chủ tuyệt đối.
"Không còn thi đại học theo khối nên các trường đại học phải có đề án
tuyển sinh rõ ràng để lựa chọn được những thí sinh phù hợp với phân khúc
đào tạo của trường mình. Theo ý kiến của tôi, học sinh phải thi 6 môn
mới đủ làm căn cứ cho các trường đại học xét tuyển", ông Tùng nói.
GS Nguyễn Xuân Hãn cũng bày tỏ băn khoăn Bộ Giáo dục sẽ ngăn chặn gian
lận thi cử như thế nào khi kỳ thi được tổ chức ở các địa phương - nơi mà
nhiều năm qua căn bệnh thành tích đã trở nên nhức nhối, nhất là trong
kỳ thi tốt nghiệp hàng năm.
"Kỳ thi phải thực sự đảm bảo thực chất thì các trường đại học mới dám
dùng kết quả đó để xét tuyển. Tôi chưa tin tưởng lắm vào kỳ thi này khi
gộp chung hai mục tiêu tốt nghiệp và đại học trong đó", GS Hãn nói.